Saturday, February 27, 2010

Mầm mống làm xe bị cháy

Mầm mống làm xe bị cháy

Liên tục trong thời gian qua, ở nước ta xảy ra hàng chục vụ xe hơi bốc cháy. Việc này không chỉ đe dọa tính mạng và gây thiệt hại cho chủ xe, mà nhiều khi còn làm ảnh hưởng đến danh tiếng của những hãng sản xuất có xe bị cháy. Autonet đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với anh Trần Công Lương, phụ trách kỹ thuật của Euro Auto, để truy tìm “thủ phạm” tiềm ẩn gây ra hiện tượng nguy hiểm này.

Trong nhiều trường hợp xe bị cháy, người ta không tìm ra được nguyên nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc tìm ra mầm mống tiềm tàng để hạn chế, tiến tới ngăn chặn rủi ro là việc không quá phức tạp và nằm trong tầm tay của chủ xe. Đôi khi, sự việc trở nên trầm trọng và nguy cơ rủi ro cao lại bắt nguồn từ chính nhận thức cũng như hiểu biết hạn chế của người sử dụng xe gây ra. Chúng ta cùng tìm hiểu:

Các mầm mống tiềm tàng

1. Hệ thống cung cấp nhiên liệu gặp sự cố: Đây được coi là nguyên nhân có khả năng gây rủi ro với tỷ lệ lớn nhất. Nhiên liệu từ bình chứa tới được buồng đốt là phải qua một hệ thống đường ống phức tạp với rất nhiều điểm nối và tiếp xúc. Các đường ống dẫn nhiên liệu qua năm tháng sẽ bị lão hóa và dạn nứt, hoặc các rắc co đã bị oải, mòn hay han rỉ làm hở các đầu nối giữa các điểm tiếp xúc ống với nhau. Nhiên liệu theo các khe hở đó chảy ra ngoài bám vào thành động cơ rồi nhanh chóng lan tỏa trong khoang máy. Nhiệt độ trong khoang máy lên quá cao do vận hành lâu hoặc có tia lửa điện do chập hoặc hở các dây điện sẽ làm cho nhiên liệu rò rỉ bốc cháy.

2. Dây dẫn và các thiết bị không đạt chuẩn: Việc lắp thêm còi, đèn cao áp với các dây dẫn chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn về công suất cũng là nguyên nhân dẫn đến các sự cố cháy xe. Trong vài năm trở lại đây, đã không ít trường hợp xe bị cháy toàn bộ cụm đèn pha trước chỉ vì chủ xe lắp bóng đèn siêu sáng (không phải bóng xe-non). Các loại bóng siêu sáng này (thường được nhập từ Trung Quốc) có công suất rất lớn, và tỏa nhiệt rất cao, trong khi hệ thống dây dẫn và chóa đèn được thiết kế theo bóng chuẩn với công suất thấp. Việc lắp bóng công suất cao không chỉ là nguyên nhân làm cháy cụm đèn mà còn có thể làm hư hỏng toàn bộ dây dẫn của hệ thống chiếu sáng, gây chập điện.

3. Hệ thống đánh lửa bị hở mạch: Dây cao áp của hệ thống đánh lửa cũng là bộ phận nhạy cảm trong khoang xe và cũng rất dễ gặp sự cố nếu sử dụng lâu ngày hoặc do thay thế loại chất lượng không đảm bảo. Dưới tác động của nhiệt độ cao trong khoang máy, cộng với việc chịu tải điện cao áp, đường dây này có thể bị lão hóa, dạn nứt hoặc bị chảy làm điện đánh ra ngoài làm cháy các bộ phận bằng nhựa hoặc cao su gần nó. Đặc biệt nguy hiểm là khi khoang máy lại bị dính nhiều dầu mỡ do lâu ngày không được vệ sinh và nhiên liệu rò rỉ (như đề cập ở trên).

4. Máy phát hay máy đề quấn lại không đảm bảo: Máy phát và máy đề là những bộ phận có thể bị hư hỏng bất ngờ trong quá trình sử dụng xe. Khi xảy ra trường hợp này, các chủ xe không nên tham rẻ mà mang xe đi sửa chữa để quấn lại cuộn máy phát hay máy đề tại những service không tin cậy. Việc sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền cộng với kỹ thuật yếu kém tại các “service vỉa hè” có thể là nguyên nhân dẫn đến hỏng hóc rồi cháy nổ chỉ sau một thời gian ngắn sửa chữa. Giải pháp tốt nhất là mang xe đến các trung tâm uy tín để khắc phục hoặc thay thế.

5. Các chất gây cháy, nổ trên xe: Bình ga, bình xịt giảm đau, nước hoa, bật lửa và một số loại hóa chất chứa ga khác là những thứ dễ cháy hoặc nổ, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè. Nhiều người thường có thói quen để những vật dụng này trên xe khi đi tập thể thao hoặc đi du lịch, rất nguy hiểm. Theo lời khuyên của một số trung tâm nhận chuyển phát nhanh, một số mặt hàng nhạy cảm như nước hoa, dầu xịt… cần phải được bảo vệ cẩn thận trong hộp xốp kín và chắc chắn để cách nhiệt trước khi đưa vào trong xe.

Những điều cần lưu ý

1. Để có thể chủ động trong việc giảm nhẹ thậm chí là loại trừ các rủi ro có thể xảy ra, chủ xe trước hết phải tự nâng cao ý thức cũng như những hiểu biết cần thiết trong việc sử dụng xe hơi. Bên cạnh việc kiểm tra và bảo dưỡng xe định kỳ, chủ xe cũng cần kết hợp rửa xe và vệ sinh khoang máy thường xuyên. Thường xuyên chú ý tình trạng nước làm mát và dầu bôi trơn.

2. Trường hợp sửa chữa và nâng cấp xe, nên lựa chọn sử dụng dịch vụ của các cơ sở có uy tín và trách nhiệm. Khi thay thế và trang bị thêm các phụ kiện như đèn, còi, thiết bị âm thanh… cần chú ý nguồn gốc, xuất xứ, tính năng cũng như sự tương thích của thiết bị mới đối với xe.

3. Tuyệt đối không để các chất gây cháy nổ trong xe. Trong trường hợp cần thiết phải có một số thứ nhạy cảm như bật lửa ga, lọ nước hoa… phải chú ý bảo quản cẩn thận trong điều kiện mát mẻ, tránh để những vị trí có thể tiếp xúc với nhiệt độ cao.

P.V (AutoNet)-BanDuong

Thực hành lái xe Ôtô:

Các bài viết liên quan:

Download Tài liệu hướng dẫn tập huấn đào tạo lái xe
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe

0 comments:

Post a Comment

 

Sát hạch lái xe trực tuyến Copyright © 2009 Shopping Bag is Designed by Ipietoon Sponsored by Online Business Journal